EN Từ lời giới thiệu của Trưởng Đại diện văn phòng Suleco tại Huế về gương mặt “nhà nghèo vượt khó”, chúng tôi biết tới Ra Va Lục – chàng trai đồng bào Pa Cô hiện đang làm việc ngành Xây dựng tại Saitama, Nhật Bản.
Lục sinh ra và lớn lên tại A Lưới, một huyện miền núi nghèo vùng biên giới phía Tây, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuổi thơ vất vả với những ngày tháng phải “chạy ăn từng bữa” khiến bạn luôn nung nấu ý chí: nhất định phải thoát nghèo, nhất định phải mang lại cuộc sống tươm tất hơn cho gia đình.
Và, “Suleco đã giúp em với tới ước mơ đó”, Lục nói.
ÁNH SÁNG TRONG CĂN NHÀ TỐI
Ngay từ khi thơ bé, 5 anh chị em Lục đã biết chắt chiu từng củ khoai, hạt gạo; biết đi chăn bò, chăm dê thuê rồi theo mẹ lên nương trồng sắn, trồng ngô. Cuộc sống cứ chật vật, đắp đổi qua ngày bởi đồng lương hưu ít ỏi của người cha không đủ để nuôi 7 miệng ăn và thuốc thang chạy chữa căn bệnh tim và khớp cho mẹ Lục.
Nhưng, khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Nhà ở sát sông Bồ, gần ngay nhà máy thủy điện nên mỗi đợt mưa to, lũ quét, nhà Lục bị ngập đầu tiên trong xóm. Mà, miền Trung thì triền miên mưa lũ! Trong kí ức của Lục và người dân Huế, có lẽ sẽ không bao giờ quên trận lũ lịch sử năm 1999. Lục nhớ, đêm đó, nếu không được người hàng xóm đến đập cửa dồn dập, hối đi lánh nạn, chắc bạn và gia đình đã bị lũ cuốn trôi. Và, cứ mỗi mùa lũ đi qua, căn nhà vốn đã trống hoác của gia đình Lục lại thêm xác xơ, tiêu điều…
“Nhất định con sẽ kiếm tiền để xây cho ba mẹ căn nhà thật vững chắc”, bà Lê Thị Phái, mẹ Lục kể lại sự quyết tâm của con trai khi vào Đại học. Nhà nghèo, nhưng ba mẹ Lục đã không để con cái phải thất học. Hình ảnh những đứa con cặm cụi ngồi học trong căn nhà cũ kĩ như ánh lên tia hy vọng về tương lai tươi sáng hơn trong họ.
Và, ba mẹ bạn đã tằn tiện từng đồng, chạy vạy khắp nơi để cả 5 đứa con đều được đến trường. “Phải học thì sau này tụi nhỏ mới đỡ khổ”, bà Phái tin tưởng.
ĐẶT TRỌN NIỀM TIN Ở SULECO
“Lục là học sinh giỏi, là lớp trưởng kiêm liên đội trưởng xuất sắc”, thầy Huỳnh Châu, giáo viên dạy cấp 2 của Lục nhắc về cậu học trò cũ với sự trìu mến, tự hào. Lên cấp 3, sau khi tốt nghiệp, Lục thi vào hệ tại chức, Khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp (Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM), học tại Huế.
Lục chia sẻ rằng, chọn học tại chức giúp bạn có thời gian đi làm kiếm tiền, trang trải học phí và đỡ đần mẹ cha. Ròng rã suốt 4 năm, ngày ngày Lục đi phụ hồ, quét sơn, tối tối đều đặn đến giảng đường. Ra trường, vì khó xin việc, bạn nhập ngũ.
Sau khi xuất ngũ, Lục theo học ngành Hàn tại Trường Cao đẳng nghề số 23 (thuộc Bộ Quốc phòng) với suy nghĩ “có thêm một nghề, sẽ có thêm cơ hội việc làm”. Qua kết nối của trường, Lục biết tới chương trình sang Nhật làm việc. Và, cơ duyên của bạn với Suleco cũng bắt đầu từ đây.
Lục nói, bạn chưa bao giờ nghĩ sẽ có cơ hội ra nước ngoài làm việc, đặc biệt tại một đất nước phát triển như Nhật. Vậy nên, khi biết chắc chắn “không bị lừa” do Suleco là đối tác uy tín của Trường nghề 23, cộng thêm chi phí đi 85 triệu và được vay ngân hàng, được trả sau – Lục quyết định rất nhanh: sẽ đi Nhật.
6 tháng gắn bó với Suleco, Lục thừa nhận môi trường kỷ luật ở đây rất nghiêm khắc dù bạn đã có 2 năm quân ngũ. “Thời gian học và rèn giũa tại Suleco đã giúp em nhanh thích nghi với cuộc sống tại Nhật và biết cách làm việc chỉn chu, cẩn thận. Sếp và đồng nghiệp Nhật cũng dành lời khen về tác phong làm việc, sự chịu khó, chăm chỉ của thực tập sinh đến từ Suleco tụi em”, nở nụ cười tươi rói, Lục hãnh diện khoe.
Sang Nhật vào tháng 11/2018, đến nay gần 3 năm, Lục đã bắt đầu thực hiện được lời hứa năm xưa với mẹ cha. Sau khi trả hết nợ vay ngân hàng và các khoản nợ khác cho gia đình, nuôi cậu em học xong Đại học hệ chính quy tại Đại học Khoa học Huế, Lục gửi tiền về xây nhà.
“Chúng tôi rất biết ơn công ty Suleco. Nếu không đi Nhật, chắc con tôi khó tìm được công việc tốt. Gia đình tôi sẽ cứ nghèo mãi thế. Và, việc xây nhà chắc chắn là điều không dám nghĩ tới”, mừng mừng tủi tủi, mẹ Lục xúc động nói. Ông Ra Va Tâm, cha Lục cũng không giấu được niềm hân hoan khi sắp sửa được sống trong căn nhà mới ở tuổi 75.
CÙNG ĐỒNG BÀO THOÁT NGHÈO
Chia sẻ về dự định tương lai, Lục cho biết, sau khi hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng, bạn sẽ chuyển sang Visa Kĩ năng đặc định để tiếp tục làm việc tại Nhật thêm 5 năm.
Bên cạnh đó, Lục đặt ra mục tiêu phải nỗ lực học tiếng Nhật tốt hơn. Bởi bạn hiểu rõ, khi đã có vốn liếng và tay nghề, nếu giỏi ngoại ngữ thì tương lai sẽ thêm rộng mở.
Thành quả sau gần 3 năm cố gắng, Lục đã giúp gia đình mình thoát nghèo và hỗ trợ được người thân về tài chính. Nhưng với bạn, như vậy vẫn chưa đủ. Lục mong muốn được chia sẻ, lan toả câu chuyện “người thật việc thật” của chính mình để giúp nhiều người hiểu và yên tâm khi sang xứ người làm việc.
Đồng tình với suy nghĩ tích cực của Lục, anh A Moong Tỵ (Bí thư Đoàn xã Hồng Hạ, A Lưới) đánh giá việc sang Nhật là cơ hội lớn để người dân nơi đây có thể đổi đời. “Từng hộ thoát nghèo, cả xã sẽ phát triển”, anh Tỵ nói.